Đây là một trong những nội dung nêu trong báo cáo tổng kết của UBND TP HCM về đề án Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông Sài Gòn, giai đoạn 2020-2045. Phạm vi nghiên cứu của đề án là dọc theo hành lang sông Sài Gòn đoạn chảy qua địa bàn thành phố, gồm TP Thủ Đức, quận 1, 4, 7, 12, Bình Thạnh và hai huyện Củ Chi, Hóc Môn.
Sông Sài Gòn, đoạn qua khu trung tâm TP HCM, tháng 8/2024. Ảnh: Quỳnh Trần
Định hướng phát triển chuỗi công viên thuộc nhóm xây dựng hạ tầng xanh đa chức năng, kết nối giao thông và triển khai các dự án thành phần ven sông. Kế hoạch này được đưa ra sau khi các chuyên gia và tư vấn nghiên cứu, đề xuất tích hợp vào điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM. Các công viên khi hình thành được kỳ vọng phát huy lợi thế, tiềm năng sông Sài Gòn trong phát triển kinh tế dịch vụ, chất lượng cảnh quan... Việc triển khai các dự án sẽ phân kỳ, phân đoạn, phân vùng, gắn với giao thông và hạ tầng dọc bên.
Sông Sài Gòn dài 256 km, bắt đầu từ Bình Phước sau đó qua Tây Ninh, Bình Dương và TP HCM. Đoạn sông chảy qua TP HCM dài khoảng 80 km được ví như "dải lụa mềm" uốn lượn trong lòng thành phố tạo ra những bán đảo đẹp như Thanh Đa hay Thủ Thiêm. Hiện dọc sông đoạn qua nội đô thành phố mới có một số công viên như Bạch Đằng, bờ sông bên Thủ Thiêm, công viên trong khu Vinhomes Central Park...
Cùng với định hướng trên, trong đề án cũng đề cập quỹ đất thuộc hành lang sông nếu có phương án tổ chức không gian và sử dụng linh hoạt theo đặc thù từng khu vực sẽ tạo ra những lợi thế rất lớn. Do đó, các bên đề xuất cho phép chuyển đổi sang các chức năng khác như dịch vụ, thương mại, du lịch... Điều này sẽ tạo nguồn lực rất lớn để thực hiện các quy hoạch cũng như khai thác hiệu quả cảnh quan, môi trường dọc sông.
Một phần công viên bến Bạch Đằng ven sông Sài Gòn đoạn qua trung tâm TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần
Ngoài ra, trong kế hoạch phát triển không gian ven sông Sài Gòn, thành phố định hướng quy hoạch, đầu tư phát triển hành lang dọc bờ, cùng hệ thống kênh rạch, ao, hồ... Những giải pháp này giúp hình thành hệ thống hạ tầng xanh đa chức năng, gồm giao thông thủy, môi trường, văn hóa, kinh tế, dịch vụ... Ngoài góp phần phát triển giao thông, hệ thống này sẽ giúp điều tiết nước, giảm ngập, cải thiện môi trường và hình thành chuỗi không gian cảnh quan đặc trưng bên sông Sài Gòn.
Trong kế hoạch triển khai các nội dung thuộc đề án, chính quyền thành phố cho biết giai đoạn 2025-2030 sẽ tập trung rà soát quỹ đất dọc hành lang sông, đồng thời đề xuất phương án tạo quỹ đất, chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư... Thành phố cũng sẽ ưu tiên triển khai hạ tầng xanh và khuyến khích các đối tác tư nhân tham gia đầu tư.
Toàn TP HCM đang có khoảng 400 công viên, bao gồm công viên công cộng và trong khuôn viên khu ở với hơn 235.000 cây xanh. Trong đó, các quận nội thành có diện tích công viên lớn hơn khu vực ngoại thành. Tổng diện tích đất quy hoạch cho công viên cây xanh ở thành phố hơn 11.400 ha, tương ứng 7 m2/người nhưng thực tế đang rất thấp, chỉ khoảng 500 ha. Với dân cư thường trực ở thành phố hơn 10 triệu người, tỷ lệ trên chỉ đạt bình quân 0,55 m2/người.
Hạ Giang