Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đưa tin nhân dịp Quốc khánh 2/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tới thăm hỏi gia đình nhạc sĩ Văn Cao, bày tỏ lòng biết ơn với những đóng góp của cố nhạc sĩ cho cách mạng Việt Nam.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm (thứ hai từ trái sang) tặng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh cho gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao. Ảnh: TTXVN
Con trai nhạc sĩ Văn Cao - nhà thơ Văn Thao - cho biết buổi đón tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm diễn ra khoảng 30 phút. "Giây phút xúc động nhất là gia đình chúng tôi nhận món quà bức chân dung Bác Hồ. Ông là một nhà lãnh đạo nhưng yêu văn hóa nghệ thuật, quan tâm đến đời sống của văn nghệ sĩ", nhà thơ Văn Thao nói.
Trong buổi trò chuyện, ông Tô Lâm khẳng định ngoài Quốc ca, nhạc sĩ còn có nhiều tác phẩm, bản nhạc khác có ý nghĩa quan trọng, mang tính hiệu triệu, kêu gọi và động viên tinh thần, góp phần quan trọng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chúc bà Nghiêm Thúy Băng - vợ nhạc sĩ Văn Cao - luôn mạnh khỏe, là chỗ dựa cho con cháu và có thêm nhiều đóng góp cho đất nước. Vợ cố nhạc sĩ cảm ơn tình cảm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, khẳng định tiếp tục động viên gia đình thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Nhạc sĩ Văn Cao sinh ngày 15/11/1923 ở Hải Phòng, mất ngày 10/7/1995. Ông là nghệ sĩ có sức ảnh hưởng với nền tân nhạc Việt Nam, được xem là hình mẫu thiên tài trong lịch sử văn hóa văn nghệ. Không được đào tạo chuyên sâu về âm nhạc nhưng ông sớm bộc lộ tài năng khi chưa tròn 20 tuổi, với các ca khúc trữ tình lãng mạn như Bến xuân, Suối mơ, Thiên Thai, Trương Chi.
Đời âm nhạc của Văn Cao gắn liền những dấu mốc lịch sử của dân tộc và chặng đường của bản thân. Cuối năm 1944, ông tham gia cách mạng. Từ đó, các sáng tác của ông mang giọng điệu mới, hào sảng, thúc đẩy tinh thần chiến đấu. Đại diện tiêu biểu của nhạc Văn Cao thời kỳ này là Tiến quân ca - được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 13/8/1945.
Thời kỳ này, ông cũng viết những ca khúc trữ tình, chứa đựng tình yêu nước, yêu đời, như: Làng tôi, Ngày mùa. Sau năm 1954, Văn Cao ít có sáng tác mới. Đến mùa xuân năm 1975, ông quay về chất trữ tình vốn có và viết Mùa xuân đầu tiên. Ngoài viết nhạc, ông còn sáng tác thơ, vẽ tranh, viết báo. Nhạc sĩ Văn Cao được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996.
Ca khúc "Tiến quân ca"Ca khúc "Tiến quân ca" được hàng trăm nghệ sĩ và khán giả thể hiện, trong đêm nhạc tưởng nhớ nhạc sĩ Văn Cao năm ngoái. Video: Ban tổ chức cung cấp
Rời nhà nhạc sĩ Văn Cao, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến nhà họa sĩ Bùi Trang Chước - tác giả của mẫu Quốc huy nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tri ân những đóng góp của cố họa sĩ với đất nước. Ông cho rằng những tác phẩm của họa sĩ Bùi Trang Chước đều kỹ lưỡng, tỉ mỉ, chi tiết, có sự cuốn hút, tính khái quát cao. Ông Tô Lâm nhấn mạnh cố họa sĩ là một trong những người nổi bật trong thế hệ có công với đất nước. Tác phẩm Quốc huy không chỉ là biểu tượng của nhân dân Việt Nam mà còn được quốc tế đánh giá cao, có ý nghĩa tập hợp đoàn kết quốc gia bền vững, sức mạnh toàn dân tộc.
Con gái cố họa sĩ - bà Nguyễn Thị Minh Thủy - nói xúc động, vinh dự khi được đón tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. Theo bà, ông là một nhà lãnh đạo gần gũi, giản dị. "Gia đình tặng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cuốn sách về các tác phẩm của bố tôi làm kỷ niệm", bà Minh Thủy cho biết.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm (thứ hai từ trái sang), Bí thư Thành ủy Hà Nội - Bùi Thị Minh Hoài - (phải) cùng các con của cố họa sĩ Bùi Trang Chước xem lại các tác phẩm hội họa. Ảnh: TTXVN
Họa sĩ Bùi Trang Chước tên thật là Nguyễn Văn Chước, sinh năm 1915, tại xã Phú Thượng, huyện Từ Liêm, Hà Nội, mất ngày 27/2/1992. Ông tốt nghiệp loại xuất sắc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1941, giảng dạy tại Trường Kiến trúc Đà Lạt và dành nhiều thời gian sáng tác.
Là họa sĩ tài năng hàng đầu của nền hội họa Việt Nam, ông nổi tiếng với các bức vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trên tem thư, áp phích, huy hiệu, đồng tiền. Ông còn sáng tác mẫu Quốc huy, nay được công nhận bảo vật quốc gia.
Hà Nội và Đà Nẵng đã lấy tên họa sĩ Bùi Trang Chước đặt tên đường để tưởng nhớ ông. Năm 2022, cố họa sĩ được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh với thiết kế mẫu Huân chương (Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động), thiết kế mẫu Quốc huy Việt Nam và tác phẩm Khu gang thép Thái Nguyên.
Hoàng Dung