Quân đội Israel rạng sáng 26/10 triển khai 100 máy bay, trong đó có tiêm kích tàng hình F-35I, phóng hàng loạt tên lửa vào các mục tiêu quân sự ở Iran nhằm đáp trả cuộc tấn công của Tehran hồi đầu tháng. Đây được coi là chiến dịch không kích lớn nhất mà Tel Aviv từng tiến hành nhằm vào Tehran, đòi hỏi hiệp đồng giữa nhiều lực lượng.
Một cuộc tấn công quy mô như vậy thường sẽ đối mặt với những động thái đáp trả quyết liệt tương ứng. Kịch bản dễ xảy ra nhất là Iran sẽ phản ứng bằng một cuộc tập kích tên lửa đạn đạo khác vào lãnh thổ Israel, giống như cách họ đã thực hiện hai lần trong năm nay.
Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei phát biểu tại thủ đô Tehran ngày 27/10. Ảnh: AFP
Trả đũa bằng biện pháp quân sự sẽ cho phép giới lãnh đạo Iran thể hiện sức mạnh không chỉ với người dân của mình mà còn với Hamas ở Gaza và Hezbollah ở Lebanon, những lực lượng tiên phong trong "Trục Kháng chiến" do Tehran hậu thuẫn ở Trung Đông.
Tuy nhiên, thông điệp đáp trả không được các lãnh đạo Iran đưa ra ngay sau vụ tấn công. Trong lần đầu tiên lên tiếng về cuộc không kích một ngày sau đó, lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei cho rằng không nên "phóng đại nhưng cũng không được xem thường" đòn tập kích của Israel.
Ông gọi hành động tấn công của Israel là "tính toán sai lầm", yêu cầu chính phủ Iran tính toán cách phản ứng "thể hiện tốt nhất sức mạnh", song cần cân nhắc "lợi ích cao nhất của nhân dân và đất nước".
Trong cuộc họp nội các sau đó, Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian tuyên bố nước này sẽ "đáp trả phù hợp" với hành động của Iran, nhưng cũng nhấn mạnh rằng Tehran không muốn chiến tranh với Tel Aviv.
Theo giới quan sát, phát biểu của các lãnh đạo cao nhất Iran cho thấy thế khó mà Iran đối mặt sau đòn tập kích chỉ nhắm vào các mục tiêu quân sự mà Israel tung ra. Nếu quyết định trả đũa trực tiếp bằng biện pháp quân sự, họ sẽ châm ngòi một vòng lặp xung đột mới, khiến Israel đáp trả mạnh mẽ hơn và đẩy hai nước tới gần hơn đến chiến tranh toàn diện.
Tuy nhiên, nếu không có hành động gì, Iran sẽ bị coi là yếu thế trước Israel, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, uy tín của nước này trong mắt các thành viên "Trục Kháng chiến", vốn dựa vào sự hậu thuẫn của Tehran để đối đầu với Tel Aviv.
"Bởi vậy, Iran nhiều khả năng sẽ tìm cách hạ thấp tác động của các cuộc không kích, dù trên thực tế chúng khá nghiêm trọng", Sanam Vakil, giám đốc chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại viện nghiên cứu Chatham House, trụ sở tại London, nhận định.
Theo bà, lựa chọn đáp trả của Iran đang bị "bó hẹp" bởi những hạn chế nội tại về kinh tế, quân sự, cũng như những yếu tố khó lường do cuộc bầu cử tổng thống Mỹ gây ra và tác động của nó đến chính sách Washington sẽ áp dụng với Trung Đông.
Về kinh tế, Iran đang đối mặt với nhiều khó khăn, do hứng chịu loạt lệnh trừng phạt của phương Tây vì chương trình hạt nhân. Tân Tổng thống Pezeshkian, người theo đường lối cải cách, đã phát tín hiệu rằng Iran muốn hướng đến một thỏa thuận hạt nhân mới với Mỹ để nới lỏng các lệnh trừng phạt quốc tế khắc nghiệt áp đặt lên nước này.
Các biện pháp trừng phạt đã góp phần khiến giá cả tăng cao ở Iran và làm trầm trọng hóa tình trạng thất nghiệp, châm ngòi cho một số cuộc biểu tình. Trong bối cảnh đó, một cuộc xung đột kéo dài và tốn kém với Israel sẽ giáng đòn nặng nề vào kinh tế Iran, khiến giới chức nước này phải tính toán rất cẩn thận về bất cứ hành động trả đũa nào.
Nhưng Iran cũng biết rằng các tổng thống Mỹ, trong đó có Donald Trump, người đang chạy đua sít sao với Phó tổng thống Kamala Harris trên đường đua Nhà Trắng năm nay, đã cam kết sẽ bằng mọi giá ngăn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân.
Theo Vakil, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 cũng là yếu tố quan trọng khiến Iran phải cân nhắc kỹ lưỡng về biện pháp đáp trả, bởi xung đột Trung Đông tăng nhiệt sẽ khiến kết quả bầu cử càng trở nên khó lường.
"Nếu Iran muốn tránh một cuộc xung đột leo thang lớn hơn trước cuộc bầu cử tổng thống với nhiều biến số của Mỹ, họ cần nhẫn nhịn và theo đuổi chiến lược dài hơi hơn, tập trung theo đuổi nỗ lực ngoại giao với khu vực và tận dụng các cơ hội nếu chúng xuất hiện từ phương Tây", bà nói.
Bằng cách giảm nhẹ tác động của cuộc tấn công từ Israel và gây sức ép ngừng bắn ở Gaza, Lebanon, "Iran sẽ có thể đảo ngược tình thế với Israel và biến điểm yếu quân sự của mình thành cơ hội ngoại giao", Vakil cho hay.
Một tuyên bố tương đối kiềm chế từ quân đội Iran vào đêm 26/10 được cho là đã tạo ra tiền đề quan trọng để Tehran lùi bước trước vực sâu xung đột. Tuyên bố cho rằng lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza và Lebanon quan trọng hơn bất kỳ hành động trả đũa nào chống lại Israel.
Ngoài ra, những hạn chế trong năng lực quân sự cũng có thể ảnh hưởng đến quyết định đáp trả của Iran. Quân đội Iran thừa nhận tên lửa, máy bay không người lái Israel đã xuyên thủng hệ thống phòng không đa tầng của họ, đánh trúng một số hệ thống phòng không, đài radar, dù chỉ "gây thiệt hại nhẹ".
Trong khi đó, ảnh vệ tinh được hãng thông tấn AP phân tích cho thấy tên lửa Israel đã làm hư hại nhà máy sản xuất nhiên liệu tên lửa tại căn cứ quân sự Parchin ở phía đông nam Tehran, cũng như một số hệ thống phòng không của Iran. Quân đội Israel cũng cho biết cuộc không kích đã nhằm vào các khẩu đội tên lửa phòng không Iran, trong đó có tổ hợp S-300.
Theo giới chuyên gia, với động thái này, Israel đã phơi bày điểm yếu trong hệ thống phòng không Iran và chứng minh rằng giờ đây, họ có thể dễ dàng tăng cường những cuộc tấn công khác chính xác hơn, gây thiệt hại nặng nề hơn nếu Tehran quyết định trả đũa.
Người đàn ông quay cảnh thủ đô Tehran khi những tiếng nổ lớn vang lên bên trong thành phố rạng sáng 26/10. Ảnh: Reuters
Năng lực quân sự của Iran gần đây cũng bị ảnh hưởng khi Israel tăng cường tấn công nhóm Hezbollah ở Lebanon, với đỉnh điểm là cuộc tập kích hạ sát thủ lĩnh Hassan Nasrallah của nhóm này hồi cuối tháng 9.
"Bất kỳ nỗ lực trả đũa nào từ phía Iran cũng sẽ phải đối mặt với thực tế là Hezbollah, đồng minh quan trọng nhất của nước này trong cuộc chiến chống lại Israel, đã bị suy yếu đáng kể", Ali Vaez, giám đốc dự án Iran tại Nhóm Khủng hoảng Toàn cầu, người dự đoán Iran sẽ ngừng tấn công ở thời điểm hiện tại, cho hay.
Các chuyên gia khu vực cũng nhận định Israel đã cố tình thu hẹp danh sách mục tiêu bị tập kích, chỉ nhắm vào các căn cứ, nhà máy quân sự, không tấn công cơ sở hạt nhân hay dầu khí, nhằm tạo điều kiện giúp Iran dễ dàng lùi bước khỏi tình trạng leo thang.
Theo Yoel Guzansky, người trước đây làm việc cho Hội đồng An ninh Quốc gia Israel và hiện là chuyên gia tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia, trụ sở tại Tel Aviv, quyết định của Israel đã giúp Iran "giữ thể diện" và không phải tung đòn đáp trả bằng mọi giá.
Thomas Juneau, giáo sư Đại học Ottawa chuyên nghiên cứu về Iran và Trung Đông, viết trên X rằng việc truyền thông nhà nước Iran ngay từ đầu đã hạ thấp mức độ nghiêm trọng của các cuộc tấn công cho thấy Tehran dường như muốn tránh leo thang hơn nữa.
Dù vậy, có một điều chắc chắn là Trung Đông vẫn sẽ là một khu vực ẩn chứa đầy bất ổn. Vài năm trước, không ai nghĩ rằng đến một ngày Israel và Iran, hai cường quốc khu vực, sẽ phóng tên lửa trực tiếp vào lãnh thổ của nhau.
Giờ đây, điều đó đã trở thành hiện thực, nhưng tính toán chiến lược của cả hai bên vẫn chưa rõ ràng và có thể đang chờ được viết tiếp.
"Cả thanh kiếm lẫn lá chắn mà mỗi bên sử dụng dường như đều chưa tương xứng với sức mạnh của mình", Vaez nói. "Mặc dù cả hai bên đã hiệu chỉnh và tính toán tốc độ leo thang căng thẳng, họ đang ở trong một địa vực hoàn toàn khác, nơi các lằn ranh đỏ mới còn mơ hồ và những lằn ranh cũ đã chuyển sang màu hồng".
Vị trí Israel cùng ba khu vực bị nhắm mục tiêu ở Iran là thủ đô Tehran và tỉnh Khuzestan, Ilam. Đồ họa: BBC
Theo Vaez, câu hỏi chính yếu hiện nay vừa đơn giản nhưng cũng rất khó trả lời: "Liệu Tehran có thực sự không phản ứng quyết liệt với cuộc tập kích của Israe, hay họ sẽ lại gia tăng mức độ trả đũa".
Đối với các lãnh đạo Iran, mong muốn xuống thang căng thẳng đã được thể hiện khá rõ. Nhưng vẫn còn đó những tiếng nói mạnh mẽ, như Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) có quan điểm cứng rắn và thường xuyên thúc đẩy phản ứng quyết liệt hơn với Israel.
Mong muốn của Mỹ và Israel cũng là xung đột với Tehran "một lần nữa trở thành cuộc chiến ngầm chứ không phải những đợt tập kích công khai", David Makovsky, thành viên thuộc Viện Chính sách Cận Đông, trụ sở ở Washington, bình luận. "Trong thế giới ngày nay, đó đã là một thành tựu. Bạn không thể chấm dứt tình trạng thù địch, mà chỉ có thể kiểm soát nó".
Vũ Hoàng (Theo AP, AFP, Reuters, BBC)