Cụ thể về vấn đề này được quy định như thế nào?
Độc giả Thanh Đức
Luật sư tư vấn
Hiện nay, về vấn đề này, khoản 1 Điều 1 Nghị định 47/2022/NĐ-CP chỉ quy định ngắn gọn: Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe (nếu có) khi nhận hàng hóa ký gửi xe ôtô (người gửi hàng hóa không đi theo xe) phải yêu cầu người gửi hàng hóa cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin về: Tên hàng hóa, cân nặng (nếu có), họ và tên, địa chỉ, số chứng minh thư nhân dân/số thẻ căn cước công dân, số điện thoại liên hệ của người gửi và người nhận.
Tuy nhiên, Luật Đường bộ 2024 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025) đã dành một điều (Điều 68) để quy định chi tiết về việc gửi và nhận hàng hóa ký gửi. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, hàng hóa ký gửi là hàng hóa gửi theo xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách mà người gửi không đi cùng trên xe, được thực hiện theo thỏa thuận giữa người kinh doanh vận tải và người gửi hàng.
Thứ hai, chỉ được nhận vận tải hàng hóa có kích thước, trọng lượng phù hợp với phương tiện và không thuộc hàng hóa cấm lưu thông, hàng hóa nguy hiểm, động vật hoang dã, hàng có mùi hôi thối, động vật, hàng hóa khác có ảnh hưởng đến sức khỏe của hành khách, môi trường.
Thứ ba, người có hàng hóa ký gửi phải lập tờ khai gửi hàng hóa, trong đó kê khai tên, số lượng, khối lượng hàng hóa; tên, địa chỉ, số định danh cá nhân của người gửi và người nhận hàng hóa.
Thứ tư, đơn vị kinh doanh vận tải có trách nhiệm kiểm tra hàng hóa ký gửi theo tờ khai gửi hàng hóa và xác nhận vào tờ khai gửi hàng hóa. Tờ khai gửi hàng hóa được lập thành hai bản, mỗi bên giữ một bản.
Thứ năm, người nhận hàng hóa ký gửi phải xuất trình giấy tờ tùy thân khi nhận hàng.
Thứ sáu, việc bồi thường thiệt hại hàng hóa ký gửi thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan. Đối với các trường hợp sau đây, đơn vị kinh doanh vận tải được miễn bồi thường thiệt hại hàng hóa ký gửi:
- Do đặc tính tự nhiên hoặc khuyết tật vốn có của hàng hóa ký gửi hoặc hao hụt ở mức cho phép.
- Do việc bắt giữ hoặc cưỡng chế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với hàng hóa ký gửi.
- Do nguyên nhân bất khả kháng.
- Do lỗi của người thuê vận tải, người áp tải hàng hóa của người thuê vận tải hoặc người nhận hàng hóa.
Luật sư Phạm Thanh HữuĐoàn luật sư TP HCM