Những bệnh tình dục có thể lây qua nụ hôn

18/09/2024
|
0 lượt xem
Bệnh Da Liễu Bệnh Stis Các Bệnh Sức Khỏe
Những bệnh tình dục có thể lây qua nụ hôn

Có hơn 26 bệnh nhiễm trùng chủ yếu lây truyền qua đường tình dục (STI). Phần lớn bệnh lây lan do tiếp xúc với dịch tiết hoặc vết loét ở bộ phận sinh dục trong khi giao hợp và không lây truyền qua hôn như chlamydia, bệnh lậu, HIV, rận mu.

Với hầu hết người khỏe mạnh, hôn là hoạt động tình dục có nguy cơ lây bệnh rất thấp. Nhưng một số STI có thể lây truyền qua nụ hôn, nhất là khi một người đang bị nhiễm trùng hoặc có các triệu chứng như vết loét ở miệng. Những bệnh tình dục dưới đây có nguy cơ lây qua nụ hôn.

Bệnh do virus herpes gây ra

Virus herpes simplex hay virus mụn rộp, có hai chủng HSV-1 và HSV-2. Chúng đều gây ra nhiễm trùng suốt đời, tức không thể loại bỏ hoàn toàn khỏi cơ thể. Herpes dễ lây lan nhất khi có triệu chứng, nhưng người bệnh vẫn có thể lây truyền virus cả khi không có triệu chứng.

Hầu hết người nhiễm herpes miệng đều do nhiễm HSV-1. Bệnh gây ra các vết loét, mụn nước đau trong, trên hoặc xung quanh miệng, môi. HSV-1 chủ yếu lây lan qua tiếp xúc miệng với miệng như hôn.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có khoảng 3,7 tỷ người dưới 50 tuổi bị nhiễm HSV-1 trên toàn cầu, hầu như mắc bệnh từ khi còn nhỏ. Trong khi đó, ước tính có 491 triệu người từ 15 đến 49 tuổi trên thế giới bị nhiễm HSV-2. Chủng virus này thường gây ra các vết loét, mụn nước ở bộ phận sinh dục, gây đau. Bệnh lây lan qua tiếp xúc bộ phận sinh dục với nhau.

Người nhiễm HSV-1 phải vệ sinh tốt và có thể sử dụng thuốc không kê đơn để điều trị mụn rộp. Người bệnh nên tránh hôn cho đến khi mụn rộp biến mất. Người nhiễm HSV-2 có thể phải dùng thuốc kháng virus vô thời hạn để giảm nguy cơ xuất hiện các triệu chứng và lây truyền bệnh.

Giang mai

Vi khuẩn giang mai lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với vết loét trên cơ thể người bệnh, gọi là săng giang mai. Những vết loét này có thể phát triển ở bộ phận sinh dục, trong miệng hoặc trên môi, nguy cơ lây bệnh khi hôn.

Các triệu chứng của giang mai nghiêm trọng hơn khi bệnh tiến triển. Ban đầu, các vết loét tròn, cứng, không đau, thường tự lành trong vòng 3-6 tuần. Sau đó, người bệnh có thể phát ban ở lòng bàn tay, lòng bàn chân hoặc cả hai mà khó nhận biết.

Các triệu chứng khác cũng có thể là sốt, đau đầu, sưng hạch bạch huyết, đau họng, giảm cân, mệt mỏi, đau nhức cơ. Những triệu chứng này thường tự khỏi, thậm chí một số người không có triệu chứng nào ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, người bệnh giang mai đều cần điều trị bằng thuốc kháng sinh để ngăn ngừa tiến triển. Trong vòng 10-30 năm kể từ khi nhiễm trùng, bệnh có thể gây ra các biến chứng đe dọa tính mạng nếu không điều trị.

Một số bệnh tình dục có thể lây truyền khi tiếp xúc với vết loét hay dịch ở miệng. Ảnh: Ngọc Phạm

HPV

HPV là virus u nhú ở người, gồm nhiều chủng, trong đó một số chủng có thể gây ung thư về sau. Cách lây truyền HPV phổ biến nhất là qua tiếp xúc trực tiếp với bộ phận sinh dục. Một số trường hợp ít gặp có thể lây nhiễm qua tiếp xúc bằng miệng hoặc tiếp xúc với nước bọt bị nhiễm bệnh.

HPV lây nhiễm vào cổ họng và miệng có thể gây ung thư vòm họng, sau họng, gốc lưỡi và amidan. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật (CDC) Mỹ, khoảng 70% trường hợp ung thư vòm họng ở nước này do HPV gây ra.

Các triệu chứng phổ biến của ung thư vòm họng bao gồm đau họng dai dẳng, khàn giọng, sưng hạch bạch huyết, đau khi nuốt, giảm cân không rõ nguyên nhân, đau tai.

Cytomegalovirus

Cytomegalovirus (CMV) rất phổ biến, có thể lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với dịch cơ thể, bao gồm tinh dịch, sữa mẹ, máu và nước mắt. Còn đường lây truyền khác là qua tiếp xúc với nước bọt hoặc nước tiểu, nhất là ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Ở người khỏe mạnh, hệ miễn dịch thường ngăn ngừa CMV gây nhiễm trùng nghiêm trọng hoặc bệnh tật. Hầu hết người bệnh không biết mình nhiễm trùng.

Khi virus này dẫn đến các triệu chứng, người bệnh có thể đau họng, mệt mỏi, sốt, sưng hạch bạch huyết. Người bị suy giảm chức năng miễn dịch và nhiễm CMV có thể gặp các triệu chứng nghiêm trọng hơn ảnh hưởng đến phổi, gan, mắt, thực quản, dạ dày và ruột. Trẻ sơ sinh nhiễm CMV có thể bị suy giảm khả năng phát triển, mất thính lực và các vấn đề ảnh hưởng đến não, gan, lá lách và phổi.

CMV tồn tại suốt đời trong cơ thể và có thể tái hoạt động. Không có cách chữa khỏi CMV, nhưng hầu hết trường hợp không cần điều trị. Trẻ sơ sinh và người có chức năng miễn dịch suy giảm có thể cần dùng thuốc kháng virus để ngăn ngừa biến chứng.

Để giảm nguy cơ mắc bệnh tình dục, mọi người nên sử dụng biện pháp bảo vệ khi quan hệ như đeo bao cao su, hạn chế số bạn tình. Người nghi ngờ mắc STI hoặc có nguy cơ tiếp xúc mầm bệnh nên thường xuyên xét nghiệm sàng lọc.

Anh Ngọc (Theo Medical News Today)

Tin liên quan
Tin Nổi bật