Trong báo cáo mới đây, hãng tư vấn dịch vụ bất động sản Savills cho biết hoạt động thị trường khách sạn tại phía Bắc cải thiện tích cực. Tại Hà Nội, tổng nguồn cung đạt hơn 11.000 phòng, đến từ 67 dự án.
Tuy nhiên, tỷ trọng giữa các phân khúc có diễn biến trái chiều. Chẳng hạn, nguồn cung khách sạn 5 sao tiếp tục tăng 3% theo quý, trong khi phân khúc 4 sao có chiều hướng giảm, khoảng 7%. Lý do, theo Savills, nhiều dự án khách sạn đã chủ động thay đổi thương hiệu, nâng cấp chất lượng từ 4 sao lên 5 sao. Đơn cử, quý vừa qua dự án Movenpick Living West (thay đổi thương hiệu từ Eastin Hotel & Residences) ở quận Cầu Giấy, được chuyển từ 4 sao lên 5 sao.
Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels, cho biết các dự án khách sạn có đơn vị quốc tế vận hành ngày càng tăng tại Việt Nam. Bởi nhiều chủ đầu tư khách sạn, condotel muốn thúc đẩy khả năng cạnh tranh và gia tăng thị phần. Do đó, nhiều đơn vị nắm bắt thời điểm thị trường du lịch phục hồi để tái định vị thương hiệu hoặc phát triển dự án mới, nâng cấp trải nghiệm cho khách hàng.
Xu hướng này diễn ra ở Hà Nội, TP HCM và các đô thị có nhiều lợi thế phát triển du lịch. Tại Hải Phòng, khách sạn thứ 6 của chuỗi Wink Hotels vừa cất nóc tại quận Hồng Bàng trong tháng 8 với tổng vốn đầu tư 50 triệu USD. Dự án do Indochina Kajima Development, thương hiệu đến từ Nhật Bản phát triển, cung cấp gần 230 phòng khách sạn và gần 80 căn hộ dịch vụ. Hay tại Quảng Ninh, tổ hợp khách sạn nghỉ dưỡng với tổng vốn đầu tư 1.700 tỷ đồng, do tập đoàn khách sạn toàn cầu Banyan Group (Singapore) quản lý, vận hành từ tháng 7.
Chuyên gia Savills dự báo trong ba năm tới, số lượng khách sạn mang thương hiệu quốc tế sẽ chiếm đến 40% tổng nguồn cung trung và cao cấp trên thị trường. Mức này tăng mạnh so với tỷ trọng 25% vào năm 2013.
Khu vực ven biển Nha Trang (Khánh Hòa), nơi tập trung nhiều khách sạn cao cấp. Ảnh: Bùi Toàn
Bên cạnh nguồn cung, công suất thuê và giá phòng khách sạn cũng phục hồi tích cực. Theo dữ liệu của Savills, quý II ghi nhận công suất thuê phòng đạt 67%, tăng 2% theo quý và 3% theo năm. Giá thuê trung bình cũng tăng 11%, chủ yếu ở phân khúc 5 sao.
Tương tự, CBRE - đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ về tư vấn bất động sản và quản lý đầu tư - cho biết nửa đầu năm nay, thị trường khách sạn Hà Nội và TP HCM ghi nhận doanh thu trên phòng cải thiện đáng kể, đạt 80% so với trước dịch Covid-19. Trong khi cùng kỳ năm ngoái, mức phục hồi mới đạt gần 70%.
Ngành du lịch phục hồi tích cực đã thúc đẩy nguồn cung và giá phòng khách sạn tăng nhanh. Ông Michael Piro, Tổng giám đốc Indochina Capital, cho biết nửa đầu năm nay, Việt Nam đã đón hơn 8,8 triệu lượt khách quốc tế, tăng 58% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt qua mức 8,5 triệu lượt khách trước dịch bệnh. Điều này cho thấy xu hướng phục hồi tích cực trong ngành du lịch lưu trú.
Đà phát triển tích cực của thị trường khách sạn Việt Nam cũng theo xu hướng chung của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nhiều thị trường khác cũng tăng trưởng giá phòng khách sạn nhờ lượng khách quốc tế phục hồi như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore. Theo dự báo của Hội đồng Du lịch và lữ hành thế giới (WTTC), lượng khách đến các nước châu Á trong năm nay có thể tăng hơn 33% so với năm ngoái.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng phân khúc này tại Việt Nam vẫn còn thách thức. Ông Mauro Gasparotti cho biết một số thị trường ven biển còn dư thừa nguồn cung từ các dự án quy mô lớn, tạo áp lực cho công suất thuê và duy trì biên lợi nhuận tốt. Bởi giai đoạn trước, nhiều chủ đầu tư ồ ạt phát triển dự án, chưa cân nhắc thấu đáo mô hình sản phẩm phù hợp.
Chuyên gia khuyến nghị, trong giai đoạn này, các chủ đầu tư cần tối ưu hóa hiệu suất vận hành, cải thiện chất lượng dịch vụ và đa dạng hóa sản phẩm để nắm bắt thời cơ khi thị trường du lịch phục hồi.
Ngọc Diễm