"Tuổi vợ chồng tôi đã lớn, bố mẹ hai bên đã già và mong có cháu, tôi viết đơn xin được nhờ em gái mang thai hộ", chị Kiều Trang, 35 tuổi, ngụ Thanh Hóa, viết trong thư gửi một bệnh viện ở TP HCM, năm 2022. Khi đó, vợ chồng chị vô sinh 7 năm, điều trị tại 4 bệnh viện không có kết quả. Họ 4 lần thụ tinh nhân tạo, 4 lần thụ tinh ống nghiệm, 9 lần chuyển phôi, đều thất bại.
Trong lúc bế tắc, chị Trang bàn với chồng phương án tìm người mang thai hộ. Họ còn 5 phôi tốt trữ đông tại bệnh viện, có thể chuyển vào tử cung của một phụ nữ trẻ, khỏe mạnh để mang thai, sinh con giúp. "Ý tưởng này được em gái ủng hộ, miễn là tôi có con khỏe mạnh", chị Trang kể.
Sau khi gia đình thống nhất phương án mang thai hộ, chị Trang viết thư gửi bệnh viện này bày tỏ nguyện vọng, ít ngày sau nhận được phản hồi "không chấp thuận". Pháp luật quy định vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Tuy nhiên, với trường hợp chị Trang, bệnh viện từ chối do vợ chồng vẫn còn trẻ, người chồng có chức năng sinh sản tốt, còn chị Trang buồng trứng, tử cung, phần phụ không phát hiện bất thường, chưa tìm ra nguyên nhân gây vô sinh.
Chị Trang một lần nữa bế tắc, đề nghị ly hôn để chồng lấy vợ mới nhưng anh phản đối, động viên vợ kiên trì điều trị. Nếu không còn cách nào khác, họ sẽ xin con nuôi.
Chị Phạm Kiều Trang hạnh phúc được làm mẹ sau 10 năm hiếm muộn. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Năm 2023, họ tới Trung tâm hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội (IVF Tâm Anh). Bác sĩ Bùi Thị Hạnh cho biết kết quả kiểm tra buồng tử cung, niêm mạc tốt, chị Trang chưa quá lớn tuổi nên động viên tiếp tục IVF.
Sau khi kích hút trứng cho chị, bác sĩ dùng phương pháp tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI) tạo phôi. Phôi được nuôi trong tủ nuôi cấy động học (Timelapse) kết hợp phần mềm trí tuệ nhân tạo để phân tích chất lượng, thu được 3 phôi.
Chị Trang được bơm huyết tương giàu tiểu cầu tự thân (PRP) cải thiện niêm mạc, tăng khả năng làm tổ cho phôi. Để tránh nguy cơ chuyển phôi thất bại nhiều lần gây mất thời gian, tốn kém chi phí và ảnh hưởng tâm lý người bệnh, bác sĩ không sinh thiết phôi mà rã đông hai phôi ngày 6 và chuyển vào tử cung chị Trang. Sau chuyển phôi, vợ chồng đi du lịch, nghỉ ngơi, giữ tâm lý thoải mái. Kết quả, một trong hai phôi đậu thai. "Tôi tưởng mình đang mơ", chị nói.
Bé gái chào đời tháng 8, nặng 2,8 kg. Lần điều trị này, chi phí là hơn 100 triệu đồng, trong khi 10 năm qua chạy chữa vô sinh tốn kém không thể đếm xuể, chị Trang cho biết.
Theo bác sĩ Hạnh, chị Trang có thai ngay lần đầu chuyển phôi tại IVF Tâm Anh là thành quả của công nghệ nuôi phôi tối ưu, kết hợp bơm huyết tương giàu tiểu cầu tự thân cải thiện độ dày niêm mạc. Tâm lý thoải mái cũng là yếu tố quan trọng tăng tỷ lệ chuyển phôi thành công.
Con gái mới chào đời của vợ chồng chị Trang. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Vô sinh không rõ nguyên nhân chiếm 20% trường hợp tại IVF Tâm Anh, tỷ lệ điều trị thành công 72%. Bác sĩ Hạnh khuyến cáo người bệnh vô sinh không rõ nguyên nhân hoặc chuyển phôi thất bại nhiều lần cần kiên trì, phối hợp với bác sĩ để có hướng điều trị phù hợp. Dựa trên số tuổi, thời gian mong con, số lần chuyển phôi thất bại, bác sĩ tư vấn phác đồ phù hợp. Với trường hợp phức tạp, người bệnh có thể bỏ qua phương pháp thụ tinh nhân tạo để thực hiện IVF sớm, tránh lãng phí thời gian, tiền bạc.
Thanh Ba
Độc giả gửi câu hỏi về vô sinh hiếm muộn tại đây để bác sĩ giải đáp