"Vì đặc thù công việc, tôi di chuyển từ 20 km - 40 km một ngày (không phải chạy dịch vụ), và mỗi lần như vậy đều thấy xe buýt gây ức chế với các hành động cụ thể của các bác tài xe buýt như: Đường chật nhưng vẫn bóp kèn vượt, sau đó dừng gấp ngay trạm. Chưa hết, dừng xong thả khách ngay giữa đường (không đứng nép vào sát trạm chờ).
Câu chuyện này xảy ra khi tôi đi qua đường Võ Nguyên Giáp (Xa lộ Hà Nội cũ), khúc quận 2 về quận 9 (cũ), đặc biệt là vào lúc nhá nhem tối hoặc 7-8h tối. Nhiều khi xe trống, không có khách vẫn bóp kèn vượt inh ỏi".
Độc giả Nguyen Huy chia sẻ như trên, sau bài viết Xe buýt TP HCM cần xóa bỏ dòng chữ xin lỗi.
Bàn về dòng dữ "xin lỗi khi xe ra vào trạm", độc giả nickname giả hoangquyetthang2511 nói: "Tôi rất đồng tình với tác giả bài viết. Về dòng chữ xin lỗi, mới nghe qua thì có vẻ rất văn minh, rất lịch sự, nhưng nếu chịu khó suy nghĩ một chút thì nó lại rất thiếu văn minh, thiếu lịch sự, vì chắc chắn rằng có lỗi mới phải xin lỗi.
Mỗi ngày, một xe buýt ra vào hàng trăm trạm, tức là hàng trăm lần phạm lỗi và xin lỗi, thì rất khó cho ai đó tha thứ được. Thực tế, xe buýt ép người đi xe máy khi ra vào trạm là không ít vì xe buýt luôn mặc định là được quyền làm việc đó. Nên theo tôi thì cũng nên bỏ dòng chữ đó đi cho nó văn minh.
Độc giả Đời gọi tên Anh đặt vấn đề:
"Tại sao lại để xe buýt tạt ra tạt vào khi vào trạm, mà không dành hẳn phần đường sát lề bên phải cho riêng xe buýt?".
Độc giả nguyễn hoàng đưa ra lộ trình phát triển giao thông công cộng, cụ thể là xe buýt:
"Tôi đưa ý kiến như sau:
- Bước 1: Phát triển mạng lưới xe buýt công cộng sử dụng điện, toàn bộ vé miễn phí trong 10 năm hoặc 5 năm để người dân có thói quen đi xe buýt hơn. Các tuyến xe tần suất 5 phút có 1 chiếc (gợi ý: thay vì làm buýt to thì làm buýt điện nhỏ gọn), không áp lực tài xế đúng giờ một cách chi li quá mức để tránh chạy ẩu, gây mất thiện cảm.
- Bước 2: Chia TP HCM thành 5 khu vực: trung tâm và các thành phố phía Đông, Tây, Nam, Bắc. Các xe máy mang biển số trung tâm chỉ được di chuyển trong phạm vi trung tâm, các thành phố kia tương tự.
Xe máy từ ngoại tỉnh cũng không được phép di chuyển trong TP HCM. Người đi ôtô phải đóng phí cầu đường cao, mua xe ôtô giá cao. Các loại ôtô gây ô nhiễm không được phép lưu thông.
- Bước 3: Đánh thuế người bán xe máy để tăng giá xe, ra luật đóng phí cầu đường cho từng chiếc xe đối với người mua, giảm thời hạn sử dụng xe máy, cấm xe ô nhiễm lưu thông.
Tôi tin nếu làm thế này thì 100% thành công. Xe máy, ô tô vẫn còn nhưng không nhiều và không ô nhiễm. Cái chính là bước 1, có dám không thôi!".
*Quan điểm của bạn thế nào?
Hữu Nghị tổng hợp