Mất nước là nguyên nhân phổ biến khiến nhiều bệnh nhân phải nhập viện, không chỉ có nguy cơ gây tử vong mà còn làm trầm trọng thêm nhiều tình trạng sức khỏe. Mất nước ảnh hưởng đến thận theo nhiều cách.
Thông thường, mọi người liên tục mất nước qua da, phổi, thận và đường tiêu hóa. Khi lượng nước mất đi nhiều hơn lượng nạp vào, các thụ thể trong não phát hiện tình trạng thiếu nước trong máu và giải phóng hormone chống bài niệu. Điều này thúc đẩy thận tái hấp thu nhiều nước hơn.
Khi huyết áp giảm, thận giải phóng renin (một loại enzyme). Renin chuyển đổi một loại hormone gọi là angiotensin 1 thành angiotensin 2. Khi mức angiotensin 2 tăng lên, tuyến thượng thận giải phóng một loại hormone khác là aldosterone, làm tăng khả năng tái hấp thu nước và natri trong thận.
Thiếu nước khiến nước tiểu cô đặc, có nguy cơ hình thành sỏi thận và nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI). Mất nước nghiêm trọng còn có thể dẫn đến tổn thương thận cấp tính (AKI), tức thận đột ngột suy giảm chức năng. Các chất thải có thể tích tụ trong máu vì thận không lọc máu hiệu quả như bình thường, gây tử vong nếu không điều trị kịp thời.
AKI không phải lúc nào cũng gây ra các triệu chứng. Song có một số dấu hiệu của tình trạng này như đi tiểu ít hơn bình thường hoặc không đi tiểu, buồn nôn, mệt mỏi, phù chân, đau hông, huyết áp cao, khó thở, đau ngực, lú lẫn hoặc thay đổi tâm trạng, chán ăn, co giật hoặc hôn mê (trong trường hợp nặng).
Lượng nước nạp vào cơ thể ít hơn lượng nước mất đi hằng ngày có thể dẫn đến mất nước và tổn thương thận. Ảnh: Ngọc Phạm
Các nguyên nhân có thể dẫn đến mất nước nghiêm trọng bao gồm:
- Không có khả năng thay thế lượng nước đã mất do khó vận động, rối loạn chức năng điều hòa cơn khát, suy giảm nhận thức hoặc mất ý thức do dùng thuốc quá liều.
- Mất nước qua da có thể do nhiệt độ quá cao, tập thể dục quá mức, bỏng hoặc mắc bệnh ngoài da.
- Mất nước qua thận có thể do sử dụng thuốc lợi tiểu, bệnh thận cấp tính hoặc mạn tính và tăng đường huyết.
- Mất nước qua đường tiêu hóa thường nguyên nhân là nôn mửa, tiêu chảy hoặc dùng thuốc nhuận tràng.
- Mất nước qua bụng do viêm tụy, báng bụng (tích tụ dịch không bình thường trong khoang bụng) hoặc viêm phúc mạc.
- Các nguyên nhân khác như nhiễm trùng huyết, tác dụng phụ của một số loại thuốc, cường giáp và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Người lớn tuổi có nhiều khả năng bị mất nước hơn vì thường mắc các tình trạng sức khỏe mạn tính như bệnh tiểu đường, bệnh thận và các vấn đề về khả năng vận động.
Người bị suy thận do bệnh thận mạn tính có thể được khuyến cáo giảm lượng nước uống vào. Trường hợp bị AKI, bác sĩ có thể đề nghị bệnh nhân thử nghiệm lượng nước uống vào và lượng nước tiểu thải ra. Nếu tình trạng thận cải thiện khi uống nhiều nước hơn, người bệnh có thể bị suy thận cấp do giảm lưu lượng máu đến thận.
Trường hợp bệnh nhân bị tích nước trong quá trình thử thách hoặc bị quá tải dịch có thể cần dùng thuốc lợi tiểu và bác sĩ theo dõi lượng kali, phốt pho và natri nạp vào. Tuy nhiên, thuốc lợi tiểu có thể khiến suy thận cấp nghiêm trọng trong một số trường hợp. Người bệnh cần thảo luận với bác sĩ trước khi thay đổi lượng nước uống vào.
Để duy trì sức khỏe thận tối ưu, mọi người nên duy trì huyết áp dưới 140/90 mmHg hoặc theo mục tiêu mà bác sĩ đề ra, duy trì lượng đường trong máu ở mức khỏe mạnh. Hoạt động thể chất tích cực và thực hiện chế độ ăn uống thân thiện với thận, gồm nhiều rau quả hơn, giảm lượng muối và bỏ thuốc lá.
Anh Ngọc (Theo Medical News Today)
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh thận tại đây để bác sĩ giải đáp