Nhóm vũ trang Houthi tại Yemen hôm 16/9 đăng video quá trình tiến hành đòn tập kích vào miền trung Israel trước đó một ngày, cho thấy tên lửa màu đen và phần mũi sơn họa tiết giống khăn kefiyeh truyền thống của người Arab đang nằm trên bệ phóng.
Quả đạn còn được trang trí bằng hình cờ Palestine, trên thân có ghi dòng chữ "Palestine-2" và "Hypersonic" (Siêu vượt âm). Tên lửa sau đó rời bệ phóng, nhanh chóng lấy độ cao và hướng về lãnh thổ Israel, để lại vệt khói dày đặc phía sau.
Khoảnh khắc Houthi phóng tên lửa 'siêu vượt âm' nhằm vào IsraelHouthi phóng tên lửa tập kích Israel hôm 15/9. Video: Houthi
Đài truyền hình Al Mayadeen ở Lebanon dẫn thông tin từ văn phòng truyền thông Houthi cho biết tên lửa Palestine-2 đạt tốc độ tối đa Mach 16, tức là gấp 16 lần âm thanh (19.755 km/h). Tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn và thiết kế hai tầng đẩy, có thể vươn tới mục tiêu ở khoảng cách 2.150 km.
Yahya Saree, phát ngôn viên lực lượng Houthi ở Yemen, ban đầu tuyên bố tên lửa đã vượt qua quãng đường 2.040 km trong 11 phút rưỡi, tương đương tốc độ trung bình 10.645 km/h.
Vũ khí siêu vượt âm có tốc độ khoảng 6.000-12.000 km/h, có khả năng cơ động trong khi bay để tăng tầm bắn và khả năng xuyên thủng lớp phòng thủ tên lửa của đối phương. Tên lửa đạn đạo thường đạt tốc độ trên 6.000 km/h nhưng không được mô tả là vũ khí siêu vượt âm, do thiếu khả năng cơ động tự do trong hành trình.
Bộ Quốc phòng Israel hôm 15/9 bác bỏ khả năng Houthi sử dụng tên lửa siêu vượt âm trong vụ tập kích. "Theo thông tin chúng tôi có được, đối phương không sở hữu loại vũ khí này", cơ quan này cho biết.
Quân đội Israel tuyên bố quả đạn của Houthi bị hệ thống lá chắn tên lửa Arrow bám bắt và đánh chặn, khiến nó vỡ tan trên không. Một số mảnh rơi xuống khu vực trống trải và để lại hố sâu gần thành phố Lod ở miền trung Israel, những mảnh khác rơi xuống cánh đồng và gần một ga tàu hỏa.
Sự việc không gây thương vong trực tiếp, song 9 người Israel đã bị thương nhẹ trong lúc tìm chỗ trú ẩn.
Tên lửa Hatem tại cuộc diễu binh của Houthi ở Saana tháng 9/2022. ẢNH: Defense Update
Fabian Hinz, chuyên gia về chương trình tên lửa của Iran tại Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại Anh, nhận định Palestine-2 là biến thể của tên lửa đạn đạo tầm trung Kheibar Shekan do Tehran sản xuất và công bố lần đầu hồi tháng 2/2022.
Kheibar Shekan cũng được lực lượng Houthi trưng bày với tên gọi Hatem tại cuộc diễu binh ở thủ đô Sanaa của Yemen sau đó vài tháng.
Thủ tướng Benjamin Netanyahu cảnh báo Houthi sẽ phải "trả giá đắt" sau vụ phóng tên lửa vào Israel. Thủ lĩnh Hamas Yahya Sinwar hôm 16/9 gửi thư chúc mừng đồng minh Houthi, khẳng định sự việc là thông điệp cảnh báo gửi đến Tel Aviv.
Sau khi chiến sự tại Dải Gaza bùng phát tháng 10/2023, lực lượng Houthi đã nhiều lần dùng máy bay không người lái (UAV) và tên lửa tập kích lãnh thổ Israel nhằm thể hiện ủng hộ với đồng minh Hamas.
Ngoài ra, nhóm vũ trang tại Yemen còn thường xuyên tập kích tàu hàng có liên hệ với Israel ở Biển Đỏ và Vịnh Aden, khiến nhiều công ty vận tải phải cho tàu đi đường vòng qua Mũi Hảo Vọng ở nam châu Phi, làm gia tăng chi phí vận chuyển.
Vị trí Israel và Yemen. Đồ họa: AFP
Phạm Giang (Theo Reuters, Ynet)