Tối 17/9, hàng chục nghìn người đổ về Tòa thánh Tây Ninh dự Đại lễ Hội yến Diêu Trì Cung (vía Đức Phật Mẫu). Cùng với Lễ Vía Đức Chí Tôn vào mùng 8 tháng Giêng, đây là một trong hai lễ hội lớn nhất, diễn ra hàng năm, của tín đồ Cao Đài và người dân Tây Ninh.
Trước đó dù thời tiết không thuận lợi, mưa nhiều, song từ chiều rất đông người ở các tỉnh thành đổ về trung tâm Tòa thánh tại thị xã Hòa Thành để tham gia vía Đức Phật Mẫu. Trong đó nhiều đoàn ở xa như các tỉnh miền Tây, miền Trung... đã đến từ tuần trước, ở lại bên trong Tòa thánh để tham gia các nghi lễ.
Biển người tập trung về Tòa thánh Tây Ninh dự vía Đức Phật Mẫu, tối 17/9. Ảnh: Minh Bằng
Nghi thức chính Lễ rước Đức Phật Mẫu và Cửu vị Tiên Nương diễn ra từ 18h, sau đó là các hoạt động múa Long Lân Quy Phụng; dâng mâm ngũ quả, bánh mứt cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, người dân ấm no hạnh phúc... Các tín đồ cũng tập trung cúng ở Báo Ân.
Chương trình múa Rồng nhang là điểm nhấn của Đại lễ Hội yến Diêu Trì Cung thu hút nhiều du khách thập phương, người dân, tập trung xung quanh đền thánh để theo dõi. Đây là nét văn hóa đặc trưng của người dân Tây Ninh khi con rồng dài 39 m sẽ đi qua gần 3 km với 52 người điều khiển và hơn 100 người dự bị thay thế.
Dịp này tín đồ thuộc các họ đạo Cao Đài trong và ngoài tỉnh sẽ trưng bày hơn 118 gian quả phẩm, bánh mứt, trang trí đèn hoa... Các mô hình dâng cúng năm nay mang phong cách riêng, được đánh giá có đầu tư, cầu kỳ, trang trí sắc xảo, trang trọng, quy mô sinh động. Hội thánh Cao Đài Tòa thánh Tây Ninh thông qua Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tây Ninh ủng hộ 200 triệu đồng giúp đỡ người dân các tỉnh phía Bắc thiệt hại do cơn bão Yagi.
Người dân tập trung trong khuôn viên Toà thánh để xem diễu hành Rồng nhang (rồng phun lửa). Ảnh: Minh Bằng
Tối qua, trong khuôn khổ lễ hội, hàng chục nghìn tín đồ Cao Đài ngồi chật kín xung quanh Đền thánh rộng hàng nghìn m2 trong Tòa thánh Tây Ninh dự lễ cúng Tiểu đàn vía Đức Phật Mẫu.
Đại lễ Hội yến Diêu Trì Cung xuất xứ xa xưa, theo một tích cổ vua Hán Vũ Đế tiếp đón đức Phật Mẫu trong đêm rằm tháng 8, lần đầu diễn ra năm Ất Sửu (1925). Tháng 9/1926, đạo Cao Đài ra mắt, lấy biểu tượng là hình một con mắt nằm trong tam giác, tượng trưng cho Thượng đế. Đạo còn thờ Phật Thích Ca, chúa Jesus, Khổng Tử, Lão Tử, Phật Bà Quan Âm...
Hàng nghìn đồng đạo từ khắp nơi trong nước và hải ngoại tề tựu về tham dự thời cúng tại trước sân lễ Báo Ân Từ, Nội ô Tòa Thánh Tây Ninh, tối 16/9. Ảnh: Tòa thánh Tây Ninh
Đến nay đạo có khoảng 2,4 triệu tín đồ, xếp thứ tư trong 16 tôn giáo được Nhà nước công nhận, trong đó Cao Đài Tây Ninh có hơn một triệu tín đồ, phạm vi hoạt động ở 35 tỉnh, thành phố...
Tòa thánh Tây Ninh là công trình tôn giáo lớn nhất của đạo Cao Đài, tọa lạc tại thị xã Hòa Thành, cách TP Tây Ninh khoảng 4 km; khởi công năm 1933 nhưng đến 1955 mới khánh thành. Công trình có diện tích hơn 2.000 m2, nổi bật với hai lầu chuông và trống cao 25 m, nằm trong khuôn viên Tòa thánh rộng hơn một km2.
Phước Tuấn