Anh Hoàng Tô, Chủ tịch Công ty Tinh Vân, con rể GS Cao Chi xác nhận tin buồn với VnExpress chiều 30/8. Trước đó hôm 25/4, anh Hoàng Tô từng chia sẻ bức ảnh nhân dịp sinh nhật lần thứ 93 của GS Cao Chi, cho biết năm nay "ông mệt và yếu đi nhiều, hầu như không còn ngồi nghiên cứu hay viết bài được".
GS Cao Chi. Ảnh: Gia đình cung cấp
Giáo sư Cao Chi sinh ngày 25/4/1931, quê gốc Quảng Ngãi, thời niên thiếu vốn nổi danh "thần đồng đất Quảng". Ông thuộc thế hệ sinh viên Việt Nam đầu tiên đi đào tạo tại Liên Xô (cũ) trong những năm 1955-1962. Con đường theo đuổi Vật lý lý thuyết của GS Cao Chi bắt đầu tại trường Đại học tổng hợp Lomonosov, với những bài giảng của nhà vật lý vĩ đại Lev Landau (Nobel 1962).
Tốt nghiệp hạng xuất sắc, ông về nước dạy ở Đại học Sư phạm Hà Nội rồi được đích thân GS Tạ Quang Bửu, lúc ấy là Bộ trưởng, cử sang Viện Liên hiệp nghiên cứu Hạt nhân Dubna, Liên Xô (cũ). Cùng thế hệ sang Dubna với ông có các anh em vô cùng thân thiết như GS.VS Đào Vọng Đức, cố GS Nguyễn Đình Tứ, cố GS.VS Nguyễn Văn Hiệu - những người sau này đều trở thành các nhà khoa học đầu ngành.
Ông làm việc tại Phòng thí nghiệm lý thuyết của Bogoliubov, nhà Toán học và Vật lý lý thuyết từng được huy chương Dirac, với nhiều công trình nổi tiếng về lý thuyết trường lượng tử, cơ học thống kê lượng tử. Tại đây, ông nghiên cứu chủ yếu về lý thuyết đối xứng các hạt cơ bản, lý thuyết trường chuẩn (các trường Yang-Mills), hướng đi sau này sẽ dẫn tới mô hình chuẩn, lý thuyết thành công nhất của Vật lý hiện đại thống nhất được ba trong bốn lực của tự nhiên là lực điện từ, lực hạt nhân yếu và lực hạt nhân mạnh, và có nhiều tiên đoán phù hợp với thực nghiệm.
Năm 1968, GS Cao Chi chuyển về Viện Nghiên cứu Nguyên tử quốc gia (sau đổi tên là Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ) và là một trong những người dẫn dắt dự án điện hạt nhân. Ông là chủ nhiệm chương trình nghiên cứu cấp nhà nước KC09-17, "Nghiên cứu chiến lược phát triển khoa học kỹ thuật hạt nhân và năng lượng hạt nhân ở Việt Nam", giai đoạn 1992-1994. Ông cũng phụ trách các nghiên cứu ứng dụng phi năng lượng trong nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội như y tế, công nghiệp, kiểm tra không phá hủy... và phát triển điện hạt nhân. Ông được Nhà nước trao tặng Huy chương Kháng chiến hạng 1, Huân chương kháng chiến hạng 3 cùng huy chương Vì sự nghiệp Khoa học và Công nghệ.
Hơn 60 năm làm nghiên cứu, GS Cao Chi ghi dấu ấn với hàng loạt công trình khoa học về đối xứng, hấp dẫn, ứng dụng hình học vào lý thuyết trường lượng tử. Với độc giả đại chúng, ông quen thuộc hơn với tư cách là đồng dịch giả cuốn sách Vật lý bán chạy nhất mọi thời đại - Lược sử thời gian của Stephen Hawking.
Ông Phạm Văn Thiều, Tổng biên tập tạp chí Vật lý và tuổi trẻ chia sẻ đau buồn khi hay tin. Ông nói đây là "mất mát lớn" trước sự ra đi của một nhà khoa học tên tuổi, đáng tin cậy, am hiểu và viết rất nhiều vấn đề vật lý hiện đại. "GS Cao Chi không chỉ là một nhà nghiên cứu sắc sảo, ông còn là một nhà sư phạm lỗi lạc", ông nói.
Ông Thiều gọi "anh Cao Chi", họ lần đầu làm việc cùng nhau khi là đồng dịch giả cuốn "Lược sử thời gian" của Stephen Hawking. Do tuổi cao, họ không thể gặp gỡ nhau nhiều nhưng duy trì liên lạc qua thư từ. Ông Thiều kể hơn 10 năm nay GS Cao Chi chống chọi với bệnh tật, từ căn bệnh tiểu đường rồi bệnh thận phải đi lọc máu. "Dù đi lại khó khăn, GS Chi vẫn duy trì sức viết, vẫn đọc sách viết bài cho đến tận những ngày cuối cuộc đời, cho thấy tinh thần của nhà khoa học chân chính", ông nói.
Ông đánh giá trong số những chuyên gia vật lý hàng đầu của Việt Nam, GS Cao Chi là người có vốn văn hóa chung rộng lớn và phong phú nhất. "Chính vốn văn hóa vững vàng cùng kiến thức sâu rộng làm nên sự hấp dẫn đặc biệt trong các bài giảng và cuốn sách của giáo sư Chi", ông nói.
Đồng nghiệp, người thân và học trò của ông đều nhận xét, trong ông có bóng dáng một triết gia hay người hiền, như cách gọi trong văn hóa phương Đông, học được ở ông cách ứng xử nhẹ nhàng với thời cuộc.
Với tinh thần "lúc nào cũng chỉ nghĩ đến khoa học", ông coi đó là động lực và kim chỉ nam trong suốt cuộc đời. Ở cái tuổi "gần đất xa trời", GS Chi vẫn trăn trở về các vấn đề của Vật lý hiện đại và bộ máy toán học của nó. Ông dành nhiều thời gian đọc và nghiên cứu bài báo khoa học, sách chuyên khảo về hầu hết các lĩnh vực thời sự của vật lý hiện đại.
Trong vòng 10 năm ông cho ra mắt bộ sách 6 cuốn về Vật lý hiện đại, mà cuốn đầu tiên lên kệ đúng dịp ông 80 tuổi. Theo GS Trần Hữu Phát, nguyên lãnh đạo Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, bộ sách "để một dấu ấn quan trọng trong kho tàng sách Vật lý nước ta". Năm 2022, ông cũng cho ra mắt cuốn sách "Vũ trụ đột sinh- Bức tranh toàn cảnh về Vật lý hiện đại" ở tuổi 92.
Tiến sĩ vật lý Cao Vi Ba, con gái duy nhất của GS Cao Chi từng chia sẻ, tủ sách của ông phủ kín hai bức tường. Vài nghìn cuốn sách đều được ông đánh số cẩn thận. TS Vi Ba cho biết, từ khi nghỉ hưu ông vẫn luôn miệt mài làm việc. Ông chỉ cần trợ giúp khi phải di chuyển, còn lại vẫn ngồi máy tính, soạn bài, đặc biệt đầu óc luôn minh mẫn. "Ông có phong cách làm việc chỉn chu, cẩn thận, các ghi chép đều được lưu giữ từng chút".
Thời gian nghỉ hưu, GS Chi chơi tennis đều. Thời trẻ ông cũng có năng khiếu mỹ thuật và vẽ tranh rất đẹp. Anh Tô kể, có lần ngồi tâm sự, anh hỏi nếu được làm lại liệu ông có theo đuổi con đường làm vật lý nữa hay không. Ông suy nghĩ một hồi và đáp: "Chắc là không, vì vất vả và khó quá". "Vậy bố sẽ làm gì nếu muốn một cuộc sống thật vui, hạnh phúc?". Ông đáp: "Bố muốn làm họa sĩ".
Như Quỳnh