Đưa công nghệ lọc nước nhiễm phèn, mặn về miền Tây

18/09/2024
|
0 lượt xem
Khoa Học Khoa Học Trong Nước
Đưa công nghệ lọc nước nhiễm phèn, mặn về miền Tây

Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy (giữa) kiểm tra hệ thống lọc nước nhiễm phèn, mặn tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học cơ sở Trần Đề. Ảnh: An Bình

Sau 3 ngày lắp đặt, hệ thống lọc nước nhiễm phèn, mặn được trao tặng cho Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học cơ sở Trần Đề, huyện Trần Đề, hôm 29/8.

PGS.TS Vũ Đức Lợi - Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (Vkist), cho biết đây là hệ thống sử dụng công nghệ lọc nước tân tiến, được nghiên cứu và phát triển chung bởi Vkist và Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc, từ năm 2021.

"Trải qua quá trình thử nghiệm trên nhiều vùng nhiễm mặn và nhiễm phèn khác nhau tại đồng bằng sông Cửu Long, đến tháng 9/2023, Vkist đã tối ưu hóa và hoàn thiện công nghệ này bằng việc tích hợp hệ thống keo tụ, lắng, kết hợp hệ vi lọc, hệ lọc RO và cuối cùng là khứ khuẩn bằng đèn UV trước khi đưa vào bình chứa nước sạch để sử dụng", ông Lợi nói và cho biết hệ thống được tối ưu hóa có giá thành thấp, sử dụng lâu dài, cho ra sản phẩm chất lượng cao.

Hệ thống lọc nước nhiễm phèn, mặn lắp đặt tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học cơ sở Trần Đề. Ảnh: An Bình

Hệ thống được thiết kế thông minh, lắp đặt trong container 20 feet, công suất 12 m3 mỗi ngày đêm, sử dụng năng lượng mặt trời, vận hành tự động với kinh phí trên 300 triệu đồng. Hệ thống có chức năng xử lý nước phèn, nước mặn thành nước sạch, đạt tiêu chuẩn nước ăn uống theo quy chuẩn của Bộ Y tế.

Tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học cơ sở Trần Đề, hệ thống được đấu nối với nguồn nước máy để sản xuất ra nước sạch cho học sinh, giáo viên nhà trường uống hàng ngày.

Đây là hệ thống lọc nước nhiễm phèn, mặn thứ 3 (sau tối ưu hóa) được lắp đặt tại miền Tây, sau tỉnh Bến Tre. "Chúng tôi mong muốn công nghệ mới này được chuyển giao, sử dụng rộng rãi ở đồng bằng sông Cửu Long, nhằm góp phần thích ứng biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn", TS Lợi nói.

Ông Trần Sung, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học cơ sở Trần Đề, cho biết, trường có gần 300 học sinh theo học với 8 lớp từ lớp 6-9 cùng 33 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Hiện tất cả học sinh đều ở nội trú nên nhu cầu sử dụng nước uống khá lớn.

Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học cơ sở Trần Đề. Ảnh: An Bình

Năm 2018, khi trường được đưa vào hoạt động cũng được lắp đặt máy lọc nước cho các em sử dụng. Tuy nhiên sau một thời gian máy bị hư hỏng nhiều lần, phải sửa chữa với kinh phí lớn nhưng hiệu quả không lâu dài.

"Học sinh phải mua nước bình loại 5-20 lít để uống hàng ngày, khá tốn kém. Vì thế, việc được hỗ trợ hệ thống máy lọc nước hiện đại, công suất lớn, vận hành bằng năng lượng mặt trời giúp ích cho học sinh rất nhiều trong việc giải quyết nhu cầu nước uống hàng ngày, đỡ tốn kém cho phụ huynh, nhà trường tiết kiệm được chi phí tiền điện vận hành", ông Sung nói.

An Bình

Tin liên quan
Tin Nổi bật