Đời bình lặng của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm

01/12/2024
|
0 lượt xem
Giải Trí Mỹ Thuật Sân Khấu - Mỹ Thuật
Đời bình lặng của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm

Giới mỹ thuật, gia đình ôn kỷ niệm và sự nghiệp của ông trong chương trình Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm - Người kết nối giá trị thẩm mỹ truyền thống với đương đại, hôm 12/10 ở Hà Nội.

Danh họa ở một mình đến năm ngoài 70 tuổi mới sống cùng họa sĩ Thu Giang - con gái út của nhà văn Nguyễn Tuân. Khi ấy, bà Thu Giang cũng gần độ ngũ tuần. Trong ký ức của bà, dù không nói nhiều, ông luôn thấu hiểu vợ. Bà cho biết cảm mến ông ở nét nho nhã. "Ông yêu thương và để tôi tự do, không gò ép điều gì, thỉnh thoảng chỉ nói một câu nhẹ nhàng. Ở nhà tôi, việc ai nấy làm'', bà nói.

Họa sĩ Thu Giang tại sự kiện ngày 12/10. Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Sinh thời, danh họa Nguyễn Tư Nghiêm không thích giao du với ai. Vì vậy khi có bà Thu Giang, mọi việc đối nội, đối ngoại, ông đều giao cho vợ. Họa sĩ Thu Giang cũng phụ trách "nghiệm thu" tác phẩm của chồng. Năm 2011, bà khai trương Bảo tàng Nguyễn Tuân - Nguyễn Tư Nghiêm ở số 90-B2 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, trưng bày những tác phẩm của nhà văn và họa sĩ bậc thầy.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn - chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam - nhớ từng đến căn nhà nhỏ của ông Nguyễn Tư Nghiêm, chứng kiến cảnh ông rải khắp sàn những tờ giấy nhỏ để bất cứ lúc nào cũng có thể vẽ. Một lần, ông Đoàn cùng Nguyễn Huy Thắng - con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng - đến thăm danh họa. ''Cụ lẳng lặng nấu cơm mời chúng tôi bữa ăn đạm bạc, thân tình", ông Lương Xuân Đoàn nói.

Con người mộc mạc của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm cũng từng được họa sĩ Lê Thiết Cương nhắc đến. Họa sĩ cho biết: "Ông hiếm khi xuất hiện ở các buổi khai mạc triển lãm, diễn thuyết, hội nghị, hội thảo về mỹ thuật Việt Nam. Ông muốn dành toàn bộ năng lượng, cõi lòng tập trung vào hội họa''.

Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm. Ảnh: Hà Tường

Nguyễn Tư Nghiêm là trường hợp đặc biệt trong bộ tứ Nghiêm - Liên - Sáng - Phái khi có sự nghiệp dài qua hai thế kỷ, chứng kiến nhiều biến động của đất nước. Trong các bức vẽ, ông thường lấy cảm hứng từ văn hóa dân gian, đem truyền thống hòa vào nét hiện đại, kế thừa giá trị từ xưa nhưng không bó hẹp mình trong khuôn khổ nào. Ông còn thích vẽ các con giáp - biểu tượng thời gian và tâm linh của người Việt.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn từng được xem cuốn sổ tay của ông, với đầy ghi chép về các kiến trúc cổ xưa ở chùa, đền. Ông Lương Xuân Đoàn đúc kết: ''Danh họa gần như là người được trao gửi hồn cốt của di sản văn hóa Việt''.

Danh họa nhiều lần nêu quan điểm sáng tác: "Tôi không gắn bó một nghệ thuật nước ngoài nào cả, tôi chỉ tìm nơi dân tộc, thấy trong dân tộc có nhân loại và hiện đại". Theo ông, "hiện đại" không nên mượn của nước ngoài mà quay về gốc rễ như đình, chùa. Dù sáng tác không kể ngày đêm, ông nhận ra bản thân chưa vận dụng hết những bản sắc hồn hậu của dân gian. Đến khi mắt mờ, chân run, danh họa vẫn say mê với những bản phác thảo.

Nhà thơ, dịch giả từng Dương Tường nhận định: "Nguyễn Tư Nghiêm là người đầu tiên thực sự làm sống lại truyền thống nghệ thuật Việt Nam. Người kiên quyết đoạn tuyệt với những nguyên lý hội họa cổ điển châu Âu. Ông cho ta niềm tin và tính mãi mãi đương thời của truyền thống''. Còn nhà lịch sử, phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng phân tích: ''Nguyễn Tư Nghiêm đã tiếp nhận nguyên lý lập thể, không phải từ hội họa hiện đại mà từ chạm khắc phù điêu đình chùa Bắc Bộ thế kỷ 16, 17, 18. Ông đã dịch chuyển lối tạo hình truyền thống từ không gian lên mặt phẳng và ảnh hưởng đến nhiều họa sĩ Việt Nam trong cách tư duy hình tượng''.

Tác phẩm ''Thánh Gióng'' được trưng bày đầu tháng 5, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024). Ảnh: Gia đình cung cấp

Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm sinh năm 1922, có nhiều thể nghiệm, tìm tòi chất liệu sơn mài, tạo nên thay đổi cho sự phát triển sơn mài truyền thống nước nhà. Ông được trao giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt một năm 1996. Danh họa qua đời hồi tháng 6/2016 ở tuổi 94.

Phương Linh

Tin liên quan
Tin Nổi bật