Theo nguồn tin từ VinFast, hãng giao khoảng 2.200 chiếc VF 5 trong tháng 8, tức giảm khoảng 14% so với tháng 7 (khoảng 2.600 chiếc). Mức giảm này nằm trong xu hướng giảm chung của thị trường khi trùng với tháng Ngâu (tháng 7 Âm lịch), thời điểm nhiều người kiêng mua xe.
Doanh số của VinFast VF 5 vẫn cao vượt trội so với những đối thủ cùng phân khúc. Trong tháng 8, Kia Sonet là mẫu xe xăng bán chạy nhất với 430 chiếc đến tay khách hàng. Còn Hyundai Venue và Toyota Raize lần lượt đạt 297 chiếc và 296 chiếc. Như vậy, VF 5, mẫu xe thuần điện duy nhất phân khúc, có doanh số cao gấp hơn 5 năm lần so với các đối thủ.
Hãng xe Việt không nói rõ doanh số cộng dồn từ đầu năm. Số liệu của VnExpress thu thập được, lượng xe VF 5 ra biển khoảng 17.800 xe, cao hơn rất nhiều so với Kia Sonet, mẫu xe dẫn đầu doanh số mảng xe xăng phân khúc CUV A+ với hơn 4.300 chiếc bán ra.
Raize và Sonet khiêm tốn hơn, đạt lần lượt hơn 2.600 chiếc và 2.100 chiếc. Những tháng trước, một phần không nhỏ VF 5 giao cho khách cho mục đích kinh doanh dịch vụ, trong khi Raize, Sonet hay Venue chủ yếu phục vụ khách cá nhân. Tuy vậy, theo VinFast, trong tháng 8, số xe giao đến khách gần như toàn bộ là xe cá nhân.
Xu hướng chuyển dịch sang xe điện để tiết kiệm chi phí vận hành của nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải giúp VF 5 có cơ hội mở rộng thị phần. Đồng thời, việc mạng lưới trạm sạc dần dày lên là cơ sở để khách hàng cá nhân có thể lựa chọn xe điện. Trong khi yếu tố lắp ráp trong nước, nhiều phiên bản, tiện nghi kèm tầm giá trải dài là những lợi thế then chốt để Sonet dẫn đầu mảng xe xăng.
Mẫu VF 5 lăn bánh tại Hà Nội. Ảnh: Lương Dũng
Sức bán tốt của Kia Sonet phần nào ảnh hưởng đến Hyundai Venue. Hai mẫu xe chung nền tảng khung gầm nhưng Sonet trẻ trung, nhiều trang bị hơn. Còn Raize, mẫu xe duy nhất phân khúc nhập khẩu kèm giá bán rẻ nhất phân khúc xe xăng nhưng thiết kế, tiện nghi chưa nhiều đột phá.
Doanh số lũy kế của các mẫu xe xăng trong phân khúc đạt 9.099 chiếc sau 8 tháng đầu 2024, gần tương đương với cùng kỳ năm ngoái (10.001 chiếc). Điều này trái ngược với mức giảm mạnh 25% của phân khúc hatchback cỡ A. 8 tháng đầu 2024, các mẫu Hyundai i10, Kia Morning và Toyota Wigo bán 4.937 xe.
Hatchback cỡ A và sedan cỡ B là hai phân khúc có giá bán dễ tiếp cận nhất thị trường, hướng đến khách mua xe lần đầu. Nhưng thị hiếu ưa chuộng xe gầm cao khiến doanh số hai dòng này giảm mạnh, đặc biệt hatchback cỡ A do nhược điểm không gian nội thất khiêm tốn, gầm thấp.
Theo các chuyên gia bán hàng, một trong những nguyên nhân khiến hatchback cạn dần đất diễn tại Việt Nam là sự xuất hiện của những mẫu gầm cao, kiểu dáng khỏe khoắn, nhiều công nghệ hơn như Sonet, Raize, VF 5 với giá bán 500-600 triệu đồng. Bằng chứng là nhiều hãng không còn mặn mà với phân khúc này. Brio của Honda, Celerio của Suzuki, Fadil của VinFast đều lần lượt bị khai tử. Hiện VinFast có VF 5 thay thế, Honda và Suzuki để ngỏ phương án mang một mẫu CUV cỡ nhỏ cỡ A+ về Việt Nam thời gian tới.
Phạm Trung