Theo MT, sau ba tuần nhà văn đoạt giải Nobel, "cơn sốt" Han Kang ở Hàn Quốc vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Chiều 3/11, tại cửa hàng Kyobo ở Jongno-gu, Seoul, sách Han Kang chất thành đống cao đến thắt lưng người lớn, nhưng nhanh chóng được độc giả mua hết. Các nhân viên liên tục lấy thêm hàng từ kho. Quản lý cửa tiệm cho biết dù được bổ sung hàng nghìn cuốn mỗi ngày, sách của bà liên tục rơi vào tình trạng "cháy hàng".
Gu, một nhân viên văn phòng 20 tuổi ở Seoul, cho biết ngạc nhiên khi thấy cảnh người dân ở mọi lứa tuổi chen chúc vào khu sách văn học ở các cửa hiệu lớn. "Tôi thích sách và thường xuyên đi mua, nhưng trước khi Han Kang đoạt giải Nobel, tôi chưa bao giờ thấy hiện tượng này. Tôi nghĩ nó tốt hơn nhiều so với việc khoe khoang tiền bạc hay tài sản trên mạng xã hội", Gu nói.
Theo Hani, ngày 3/11, CJ Logistics - doanh nghiệp hậu cần lớn nhất Hàn Quốc - công bố lượng sách được giao năm nay tăng 27,3% so với cùng kỳ năm ngoái. "Tháng 10 thường là mùa thấp điểm của dịch vụ vận chuyển sách, nhưng sau khi Han Kang đoạt giải Nobel, lượng người quan tâm đến sách tăng vọt", đại diện đơn vị cho biết.
Người dân mua sách Han Kang tại thủ đô Seoul. Ảnh: Yonhap
Nhiều dấu hiệu cho thấy văn hóa đọc hồi sinh theo những cách khác nhau. Các quán cà phê sách hoặc cocktail sách ở Mapo-gu, Seoul, trở thành địa điểm lý tưởng của giới trẻ. Jang, 20 tuổi, cho biết: "Kể từ khi Han Kang đoạt giải Nobel, tôi cùng bạn bè có thêm lựa chọn mới, đến quán cà phê sách vào mỗi cuối tuần để giải tỏa mệt mỏi".
Ông Beom, giáo viên trung học ở khu vực Incheon, cho biết: "Lượng học sinh đến thư viện tăng lên, chủ yếu để mượn sách Han Kang. Khi không thể, các em chuyển sang đọc các cuốn sách khác. Tôi nghĩ nhiều em bắt đầu đọc do ảnh hưởng từ các bài viết trên mạng xã hội. Đây là điều tích cực".
Trang Heraldcorp nhận xét: "Giải Nobel của Han Kang còn khơi dậy xu hướng đọc, viết sành điệu", hay còn gọi là "text-hip". Đó là thuật ngữ kết hợp giữa "text" (văn bản) và "hip" (thời thượng), chỉ việc đọc sách, ghi chép trở thành một hoạt động "sành điệu". Xu hướng này bắt nguồn từ việc nhiều người nổi tiếng chia sẻ ảnh đọc sách, chép các câu văn nổi tiếng trên mạng xã hội, khiến khán giả học theo.
Độc giả đọc sách Han Kang tại Thư viện ngoài trời Cheonggyecheon, Seoul. Ảnh: News1
Sau khi Han Kang đoạt giải Nobel, nhiều độc giả khoe các văn bản chép tay sách của bà. Ứng dụng CJ OnStyle cho biết doanh số bán văn phòng phẩm trong tháng 10 tăng 143%, SSG cũng tăng 126% doanh số dụng cụ viết.
Một quản lý trong ngành cho biết: "Nhu cầu mua văn phòng phẩm thường tăng vào tháng 3 và tháng 9 - đầu học kỳ mới. Việc doanh số tháng 10 tăng hoàn toàn do cơn sốt Han Kang". Nhà phê bình văn hóa Ha Jae Geun nhận xét việc tiếp cận tác phẩm theo trào lưu thời thượng là cơ hội để giới trẻ tiến đến việc đọc sâu.
Han Kang thắng giải Nobel Văn học 2024 nhờ các tác phẩm là "những áng văn xuôi mạnh mẽ, đậm chất thơ, đề cập trực diện những chấn thương lịch sử và phơi bày sự mong manh của kiếp người". Bà là phụ nữ châu Á đầu tiên đạt thành tựu.
Nhà văn Han Kang. Ảnh: News1
Thành tích của bà khiến người Hàn Quốc vỡ òa trong "cơn sốt" Han Kang. Chỉ trong năm ngày, sách của bà bán được một triệu bản ở quê nhà. Nhà văn được ước tính có thêm khoảng 5 tỷ won nhờ giải thưởng.
Bà sinh ngày 27/11/1970 ở Gwangju (Hàn Quốc), có cha là tiểu thuyết gia Han Seung Won. Năm 23 tuổi, bà Kang bắt đầu sự nghiệp văn chương khi năm bài thơ của bà được đăng tải trên tạp chí Văn học & Xã hội. Một năm sau, truyện ngắnThe Scarlet Anchor của nhà văn đoạt giải nhất trong Cuộc thi Văn học Mùa Xuân Seoul Shinmun. Năm 1995, bà ra mắt tiểu thuyết đầu tay mang tên A Love of Yeosu.
Tên tuổi nhà văn được chú ý khi nhận nhiều giải thưởng danh giá như giải Tiểu thuyết Văn học Hàn Quốc (1999), giải Nghệ sĩ trẻ Ngày nay (2000), giải Văn học Yisang (2005) hay giải Văn học Dongri (2010).
Từ thành công của The Vegetarian, nhà văn nhận sự quan tâm lớn của độc giả thế giới. Tuy vậy, bà cho biết chuộng sự riêng tư và trở lại cuộc sống bình thường không lâu sau khi nhận giải Booker. Bà là giáo sư chuyên ngành viết sáng tạo tại Học viện Nghệ thuật Seoul.
Hà Thu (theo MT, Hani)