Đầu tháng 11, tài khoản Weibo của Bảo tàng Cố cung Bắc Kinh đăng ảnh cổ vật Thanh hoa vạn thọ, cho biết theo kết quả nghiên cứu mới, tác phẩm gốm sứ này do vua Khang Hy (1654-1722) ra lệnh xưởng gốm Cảnh Đức Trấn chế tác, sau đó hoàng đế dâng cho bà nội, bày tỏ lòng hiếu thảo.
Bình thanh hoa thời vua Khang Hy. Ảnh: The Paper
Giai đoạn này, đồ gốm sứ viết chữ "thọ" xuất hiện nhiều, đa số dùng để trang trí, nhưng chủ yếu là loại viết 100 hoặc 1.000 chữ. Còn bình có 10.000 chữ thuộc hàng quý hiếm, biểu thị ý nghĩa "sống lâu muôn tuổi".
Tác phẩm thể loại gốm sứ thanh hoa, cao 76,5 cm, đường kính miệng bình 37,5 cm, cổ ngắn. Chữ "thọ" được viết màu xanh lam, phần bụng có 130 hàng, mỗi hàng 75 chữ, tổng cộng 10.000 chữ trên toàn bình.
Cổ vật, có vết nứt ở đáy, hiện được trưng bày ở Bảo tàng Cố cung. Ảnh: DPM
Chữ "thọ" được thể hiện bằng Triện thư với các dạng chữ khác nhau, sắp xếp ngay ngắn, hàng lối chỉnh tề, đều đặn. Cỡ chữ được điều chỉnh nhỏ hoặc to hơn, tùy thuộc độ uốn, phình của chiếc bình, tất cả hài hòa, trang trọng. Điều này đòi hỏi sự kiên trì, cần mẫn và tay nghề đỉnh cao của nghệ nhân, quá trình nung gốm cũng rất khó.
Theo The Paper, trên thế giới hiện còn năm chiếc bình vạn thọ tương tự tác phẩm ở Bảo tàng Cố cung Bắc Kinh, một chiếc thuộc Bảo tàng Nam Kinh. Tác phẩm thứ ba được doanh nhân ngành ngân hàng Lợi Quốc Vỹ mua ở Anh thập niên 1950, ông tặng cho Art Museum của Đại học Trung văn Hong Kong vào năm 1999.
Chân dung vua Khang Hy do họa sĩ cung đình thực hiện. Ảnh: The Paper
Chiếc thứ tư xuất hiện tại phiên đấu giá của Christie's Hong Kong năm 2013, tỷ phú Trung Quốc Lưu Ích Khiêm mua ở mức gần 65 triệu HKD (khoảng 8,3 triệu USD). Tác phẩm thứ năm từng thuộc sở hữu của nhà sưu tầm Nhật Bản, được gõ búa ở Hong Kong năm 2018, đạt mức 9,5 triệu USD. Chiếc thứ sáu nằm trong bộ sưu tập của một nhà sưu tầm người Mỹ.
Theo văn hóa và các quy định đương thời, giới nghiên cứu cho rằng Khang Hy có thể từng mệnh lệnh làm chín chiếc bình vạn thọ. Sáu chiếc trên kích thước tương đương, đáy bình hầu hết đều có vết nứt do nung nấu. Triều đình giữ lại do vết nứt dưới đáy, không ảnh hưởng thẩm mỹ. Hiện tượng này phản ánh mức độ khó trong chế tác.
Bức tranh hơn 200 m về chuyến đi tuần của vua Khang HyKhung cảnh thời Thanh trong bức "Khang Hy nam tuần", tranh xoay quanh chuyến thị sát đê điều, tìm hiểu cuộc sống, phong tục các địa phương của hoàng đế năm 1689. Video: Bilibili
Khang Hy là hoàng đế thứ tư của triều Thanh, lên ngôi khi tám tuổi, tại vị 61 năm và 10 tháng, là vua trị vì lâu nhất trong lịch sử Trung Quốc. Theo People Daily, với các chính sách của ông về kinh tế, triều Thanh bước vào thời kỳ hưng thịnh nhất.
Nghinh Xuân