Biến chứng lao khiến khí quản hẹp như sợi chỉ

18/09/2024
|
0 lượt xem
Bệnh Người Lớn Các Bệnh Sức Khỏe Tim Mạch
Biến chứng lao khiến khí quản hẹp như sợi chỉ

Ngày 4/9, TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Tâm Anh TP HCM, cho biết trường hợp của chị Mai phức tạp. Bệnh viện từng điều trị nhiều ca bệnh khó, cần hội chẩn toàn viện, nhưng đa số là bệnh lý đa chuyên khoa. "Chị Mai mắc một bệnh lý, chỉ thực hiện một ca mổ nhưng cần 20 bác sĩ, phẫu thuật viên phối hợp là trường hợp ít gặp", bác sĩ Dũng nói.

Chị Mai, 36 tuổi, mắc bệnh lao phổi 4 năm trước, uống thuốc 6 tháng thì khỏi. Ba năm sau, chị bị hẹp khí quản do di chứng lao phổi. Sau điều trị bệnh lao, mô sẹo xơ phát triển vào trong lòng khí quản gây hẹp đường thở tăng dần. Đoạn hẹp dài 3 cm, chỗ hẹp nhất là 3x8 mm như sợi chỉ, trong khi đường kính khí quản người lớn khoảng 12 mm.

Bác sĩ chỉ định đặt stent hoặc phẫu thuật để nong khí quản, song chị Mai chỉ điều trị nội khoa gần hai năm, nong khí quản bằng bóng hai lần, thường xuyên phun khí dung làm giãn đường thở. Khí quản chị giãn trong thời gian ngắn rồi tái hẹp.

Tháng 8 năm nay, chị đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám. Bác sĩ Dũng cho biết với người bệnh hẹp khí quản cổ, kíp mổ sẽ mở đường mổ như các ca mổ tuyến giáp, cắt đoạn khí quản hẹp rồi khâu nối làm thông thoáng đường thở. Trường hợp hẹp khí quản vùng ngực, bác sĩ có thể lựa chọn nong và đặt stent. Còn chị Mai hẹp khí quản ngay vị trí tiếp giáp giữa cổ và ngực, đặt stent có thể gặp nguy cơ xoắn vặn gây gãy stent khi cử động cổ, khả năng tái hẹp trong stent cũng cao. Cuối cùng, êkíp chọn phẫu thuật để hiệu quả cao.

Ở các ca khác, thường chỉ cắt tối đa 2-2,5 sụn khí quản rồi nối hai đầu khí quản trên dưới, nhờ vậy miệng nối lành nhanh, không dọa rách. "Đối với ca này, đoạn hẹp dài 3 cm tương đương ba sụn khí quản. Cắt bỏ ba sụn khí quản khiến nguy cơ xì, rò miệng nối sau mổ cao", bác sĩ Dũng nói.

Khí quản hẹp khít một đoạn dài khiến bệnh nhân khó thở, mệt mỏi kéo dài. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh

Theo ThS.BS.CKII Hồ Thị Xuân Nga, khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, điều đáng lo nhất khi gây mê ở ca mổ này là vấn đề thông khí. Không đặt nội khí quản vào đoạn khí quản hẹp khít được thì không thể gây mê hồi sức, đồng nghĩa với không mổ được. Đây là lý do êkíp phải hội chẩn toàn viện trước mổ, đồng thời bác sĩ ICU túc trực, chuẩn bị sẵn máy tim phổi nhân tạo (ECMO) dự phòng hỗ trợ tuần hoàn, giảm áp lực cho hệ hô hấp.

Ca phẫu thuật được chia làm hai thì, cần tới 20 bác sĩ nhiều chuyên khoa phối hợp. Đầu tiên, bác sĩ Nga dùng ống nội soi mềm để quan sát và ước lượng, quyết định đặt nội khí quản nhỏ, đường kính 4 mm để thông khí tạm thời cho người bệnh. "Nếu thì đầu ca mổ mà không làm được điều này, phải dùng ECMO để hỗ trợ đảm bảo cung cấp đủ oxy cho bệnh nhân sẽ rất phức tạp và tốn kém", bác sĩ Nga nói.

Tiếp đến, bác sĩ Dũng mở đường cổ để bộc lộ đoạn khí quản thông thoáng, mở đường cho bác sĩ Nga đưa ống nội khí quản lớn hơn (đường kính 7 mm) vào, gây mê toàn thân cho bệnh nhân.

Ê kíp chọn mở đường ở cổ. Trong ba giờ, các bác sĩ Ngoại Tim mạch - Lồng ngực cắt được đoạn khí quản bị hẹp, làm thông thoáng đường thở. Quá trình mổ còn có bác sĩ chuyên khoa Hô hấp, Ngoại Đầu - Mặt - Cổ túc trực để phòng xảy ra vấn đề. Ca phẫu thuật diễn ra thuận lợi, không cần dùng tới máy tim phổi nhân tạo. Sau khi đóng vết mổ, bác sĩ khâu cằm - ngực cho bệnh nhân, duy trì trạng thái này trong hai ngày để tránh người bệnh ngửa cổ, quay cổ gây xì miệng nối.

Bác sĩ Nga (phải) gây mê nội khí quản cho bệnh nhân. Ảnh minh họa: Bệnh viện Tâm Anh

Sau mổ, chị Mai được theo dõi sát tại khoa Hồi sức tích cực (ICU) để giảm nguy cơ miệng nối hai đoạn khí quản bị căng, đứt. Các bác sĩ hỗ trợ bệnh nhân tập vật lý trị liệu để khôi phục chức năng hô hấp, vận động. Sau 5 ngày, chị ăn uống bình thường, hết hẳn khó thở, tức ngực.

Hẹp khí phế quản là một trong những biến chứng phổ biến của lao phổi. Bệnh thường tiến triển từ từ với triệu chứng ho, khó thở, nhiễm trùng đường hô hấp... nên dễ bị bỏ qua hoặc nhầm lẫn với các bệnh lý khác.

Để phòng ngừa bệnh, bác sĩ Dũng khuyến cáo hạn chế thời gian đặt nội khí quản, chọn kích thước ống nội khí quản phù hợp, kiểm soát tốt bệnh lý nền, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tập thể dục thường xuyên, cai thuốc lá.

Thu Hà

* Tên bệnh nhân đã được thay đổi

Tin liên quan
Tin Nổi bật