Cụ thể, Nhật Bản muốn có 400.000 sinh viên quốc tế vào năm 2033, cao hơn mức 120.000 hiện tại. Trong khi đó, chính quyền Đài Loan (Trung Quốc) hy vọng thu hút 320.000 du học sinh từ nay đến năm 2030, tăng gấp đôi.
Con số mong muốn của Hàn Quốc là 300.000 vào năm 2027, tăng 45%; còn Malaysia là 250.000 vào năm 2025, tăng hơn hai lần.
Điều này ngược với xu hướng kiềm chế lượng du học sinh ở một số nước phương Tây, như Canada và Australia.
Mỗi nơi có động cơ khác nhau. Hàn Quốc và Malaysia đều đặt mục tiêu trở thành quốc gia du học, trong đó Hàn Quốc tham vọng vào top 10 thế giới.
Nhật Bản muốn "quốc tế hóa" giáo dục đại học trong nước, trong bối cảnh tỷ lệ sinh giảm, lương bị đình trệ và ảnh hưởng của hậu Covid-19. Đài Loan thì muốn bổ sung nhân lực chất lượng cao ở ngành công nghiệp bán dẫn.
Khuôn viên Đại học Hàn Quốc. Ảnh: Korea University Fanpage
Để đạt mục tiêu nói trên, cả bốn đều có động thái nới lỏng quy định thị thực với du học sinh.
Năm ngoái, Hàn Quốc tăng giờ làm thêm cho sinh viên quốc tế, từ 20h lên 25 giờ mỗi tuần, hạ yêu cầu chứng minh tài chính từ 20.000 USD xuống còn 15.400 USD. Nước này cũng cho phép du học sinh ở lại đến ba năm để tìm việc, thay vì 6 tháng như cũ.
Malaysia cho phép sinh viên quốc tế từ 23 nước ở lại tìm việc sau tốt nghiệp trong một năm, trong khi trước đây không có quy định này.
Hồi tháng 3, Nhật Bản nới lỏng thị thực làm việc với du học sinh nghề. Nhóm này có thể ở lại tối đa 5 năm, tương tự các kỹ sư tốt nghiệp đại học.
Từ đầu năm nay, chính quyền đảo Đài Loan đơn giản hóa các thủ tục về thị thực, sinh viên gia hạn giấy phép du học trong ba năm, thay vì làm hàng năm.
Theo ICEF Monitor, trang thông tin về giáo dục quốc tế, du học sinh người Việt đang là nhóm đông nhất trong số sinh viên quốc tế ở Hàn Quốc và Đài Loan, với lần lượt 70.200 và 16.100 người. Tại Nhật, số sinh viên người Việt là 36.300, trong top 3, ở Malaysia không có thống kê.
Việt Nam đứng đầu về sự dịch chuyển sinh viên ra nước ngoài trong năm học 2021/22 với hơn 132.000 người, theo báo cáo của Acumen, tổ chức tư vấn giáo dục quốc tế.
Doãn Hùng (Theo ICEF Monitor)